Việt Nam - Nỗi thê thảm của sách!

0 ý kiến, và ý kiến từ facebook

Số lượng

Thống kê của các cơ quan văn hóa mà báo chí đăng lại 12-4 -2013  cho biết tính ra người Việt một năm chỉ đọc 0,8 một cuốn sách.

Trên mạng thấy có người đã đem con số này ra so sánh với thế giới. Thì thấy ví dụ người Trung Quốc là 4,23 cuốn/người/năm. Thái Lan, Malaysia đều cao hơn so với Việt Nam.

Thói quen khai vống khai liều để lấy thành tích vốn không lạ với xã hội ta.  Trong chuyện kinh tế còn thế nữa là trong văn hóa. Văn hóa là dễ lấp liếm hoặc nói bốc lên nhất.

Thành thử con số 0, 8 ở trên chỉ có thể dùng tạm.

Cái gọi bằng sách trong thống kê này hẳn bao gồm thượng vàng hạ cám đủ loại khác nhau và ở đó chắc chắn có nhiều tập giấy in chứ không thể gọi là sách được. Sách không ra sách, sách bất thành nhân dạng có tỷ lệ lớn. Có những cuốn không hề được lật ra, không hề  được đọc, sau khi in ra chỉ xếp vào các thư viện chờ ngày thanh lý.



Hồi mới bung ra trong làm ăn, đã thấy có tình trạng một số  sách  bán chạy phải khai ít đi để trốn quản lý phí. Nhưng cái thời đó qua đi rất nhanh.  Mà số lượng sách được đọc nhiều theo kiểu đó cũng chẳng phải là dấu hiệu tốt đẹp gì. Làm sao có thể coi cái sự chạy theo thời thượng ở một xã hội tiểu nông là tốt đẹp được?

Nay là một thời khác. Nhiều tập thơ  thì tuy ở ngoài ghi cũng là in 1000, thực ra chỉ in một vài trăm, vì thơ có bán được đâu. Nhưng các nhà thơ thích làm thế để cho thiên hạ biết là mình được đọc nhiều lắm.

Một số sách dịch ở ta được in ra là do tài trợ nước ngoài. Muốn xin được nhiều tài trợ người ta phải giả dối khai cao lên để nhận tiền, ví dụ sách in chỉ một ngàn nhưng đề hẳn ở sau là ba ngàn. Nói dối người nước ngoài ở ta không bao giờ bị lên án cả.



Hình thức bên ngoài cũng là dấu hiệu chất lượng

Có những điều chúng ta đã quen mắt nên thấy bình thường. Nhưng đặt vào một khung cảnh xa rộng sẽ thấy rõ thực chất hơn.

Có lần trên TV giới thiệu sách VN mang bày tại Đại sứ quán Pháp để khách quốc tế tới xem. Trên màn ảnh chỉ thấy những cuốn sách mỏng dính nhưng lại lố lăng lòe loẹt.

Có người sẽ cãi đó chỉ là cái hình thức bên ngoài? Không, tình trạng của  nội dung cũng là tương tự.

Kỹ thuật biên soạn ở ta chỉ ở vào trình độ làm sách của những nước lạc hậu nhất trên thế giới.

Nội dung đầu ngô mình sở lam nham, cách trình bầy sắp xếp luộm thuộm.

 

Trong các báo cáo thường cũng nhấn mạnh là có nhiều sách phục vụ đại chúng bao gồm từ nông thôn đến biên giới hải đảo. Nhưng trong giới người ta đều hiểu ngầm với nhau các loại sách phục vụ nhiệm vụ chính trị này được làm rất cẩu thả.

Sách giáo khoa cũng thế. Cẩn thận trong chi tiết lặt vặt nhưng lại cũ kỹ xơ cứng trong những vấn đề  lớn. Chỉ oai hơn ở chỗ được coi là sách chuẩn.